Quản lý Nhóm Sản phẩm

Giới thiệu

Để thuận tiện trong việc theo dõi và quản lý sản phẩm trong quy trình quản lý chuỗi cung ứng, hầu hết các doanh nghiệp đều cần phân loại và chia nhóm sản phẩm theo các tiêu chí và mục đích khác nhau. Có thể phân loại hoặc nhóm theo:

  • Đặc tính của các sản phẩm. Ví dụ: các sản phẩm có thể bán, các sản phẩm là hàng hóa, các sản phẩm dịch vụ, các sản phẩm là chi phí, v.v..

  • Tính chất và cơ cấu của sản phẩm. Ví dụ: nhóm sản phẩm linh kiện, nhóm sản phẩm bán thành phẩm, v.v..

  • Cách định khoản hạch toán kế toán của các sản phẩm, v.v..

Nhóm sản phẩm trong Viindoo được xây dựng theo cấu trúc phả hệ cha - con nhằm giúp doanh nghiệp rõ ràng hơn trong việc quy hoạch và quản lý sản phẩm của mình.

Hướng dẫn cấu hình nhóm sản phẩm

Bạn truy cập Kho vận ‣ Cấu hình ‣ Nhóm sản phẩm:

Nhóm sản phẩm

Mẹo

Bạn có thể thực hiện tạo danh mục sản phẩm/nhóm sản phẩm từ rất nhiều phân hệ trong Viindoo như: Kho vận, Mua hàng, Kế toán, v.v..

Ấn Tạo để thực hiện tạo mới và thiết lập các thông tin trên nhóm sản phẩm:

Tạo nhóm sản phẩm
  • Tên nhóm: nên đặt tên ngắn gọn, dễ hiểu và dễ phân biệt cho người dùng.

  • Nhóm cha: nếu nhóm tạo mới này được đặt là nhóm con của một nhóm khác. Ví dụ: nhóm Sách Giáo Khoa là cha của nhóm Sách Vật lý.

  • Tuyến hậu cần: Tuyến hàng hóa được áp dụng mặc định cho nhóm này để xuất hàng hoá. Nếu không áp dụng có thể bỏ trống.

  • Định giá tồn kho:

    • Phương pháp giá vốn: tất cả các sản phẩm của nhóm sẽ được lấy theo phương pháp giá vốn này.

      • Giá tiêu chuẩn: khi chọn phương pháp này, tất cả các hàng hóa trong nhóm sẽ được ghi nhận theo giá vốn được thiết lập thủ công trên giao diện chi tiết sản phẩm.

      • Nhập trước xuất trước (FIFO): giá trị hàng hóa được ghi nhận dựa theo quy tắc sau: sản phẩm nhập trước sẽ được xuất trước và giá trị của sản phẩm cũng được xuất tương ứng.

      • Giá trung bình (AVCO): giá trị hàng hóa xuất kho được tính bằng giá trị hàng tồn kho của từng sản phẩm / tổng số lượng hàng tồn kho tương ứng của từng sản phẩm.

      • Thực tế đích danh: giá vốn xuất kho của sản phẩm được lấy chính xác theo giá nhập tương ứng của từng sản phẩm.

    • Định giá tồn kho:

      • Thủ công: không tự động sinh các bút toán kho nếu bạn tạo các hoạt động xuất nhập hàng hay luân chuyển hàng hóa. Người dùng xử lý thủ công các bút toán kho này.

      • Tự động: hệ thống tự động tạo các bút toán kế toán kho khi phát sinh các hoạt động nhập, xuất hàng hàng hay luân chuyển hàng hóa.

  • Thuộc tính tài khoản: Thông thường hệ thống sẽ tự động gợi ý sẵn các thiết lập tài khoản.

    • Tài khoản doanh thu: Khi bán sản phẩm nhóm này, doanh thu được ghi nhận vào tài khoản đã thiết lập.

    • Tài khoản chi phí: Khi mua sản phẩm nhóm này, chi phí được ghi nhận vào đây.

      • Với sản phẩm kiểu dịch vụ: thiết lập tài khoản chi phí: 642, 641, 621, 622, 627.

      • Với sản phẩm kiểu hàng hóa: sử dụng tài khoản trung gian ghi nhận hàng hóa chờ nhập kho. Ví dụ: tài khoản 151.

  • Thuộc tính tài khoản kho: Khi chọn Định giá tồn kho là Tự động, thông tin thuộc tính tài khoản kho được hiển thị.

    • Tài khoản định giá tồn kho: Khi nhập kho, giá trị hàng hóa tồn kho sẽ để ở tài khoản này. Ví dụ: tài khoản 152, 153, 155, 156, 157.

    • Sổ nhật ký kho: Sổ nhật ký ghi nhận các bút toán kho của nhóm sản phẩm này.

    • Tài khoản nhập kho: Thường trùng với tài khoản chi phí nếu là sản phẩm hàng hóa. Ví dụ: tài khoản 151.

    • Tài khoản xuất kho: Khi bán, giá vốn hàng bán đưa vào tài khoản này. Ví dụ: tài khoản 632.

Ghi chú

Trường Thuộc tính tài khoản kho chỉ xuất hiện nếu bạn chọn Tự động tại trường Định giá tồn kho.

Nhấn Lưu để hoàn tất thiết lập nhóm sản phẩm.

Ghi chú

Việc chia nhóm sản phẩm ngoài những đặc điểm chung của hàng hóa thì cần cân nhắc tới nguyên tắc định khoản kế toán và mục đích sử dụng cho phù hợp.