Cross Docking là gì? Ưu, Nhược điểm của Cross Docking

Cross Docking là một kỹ thuật logistics giúp tối ưu chi phí lưu trữ kho và tăng hiệu quả quản lý kho hàng. Vậy điểm mạnh và điểm yếu của phương pháp quản lý này là gì? Viindoo sẽ cung cấp những thông tin cần biết giúp các doanh nghiệp hiểu thêm về mô hình phân phối hàng hóa Cross Docking trong bài viết này.

1. Cross Docking là gì?

Có 4 chức năng chính trong chuỗi hoạt động quản lý kho hàng: tiếp nhận, lưu trữ, thu gom kiện hàng và vận chuyển hàng đến đối tác. Trong số đó, hai chức năng tiêu tốn nhiều thời gian, công sức lao động cũng như chi phí nhất quản lý là lưu trữ và thu gom kiện hàng.

Vậy thì, Cross Docking là gì? Cross Docking là kỹ thuật được áp dụng nhằm triệt tiêu hai chức năng lưu trữ và thu gom kiện hàng nhưng vẫn cho phép chức năng tiếp nhận và vận chuyển hoạt động bình thường. Tức là, hàng hóa sẽ được chuyển từ nhà sản xuất hoặc nhà cung ứng đến nơi tiêu thụ mà hầu như không cần trung chuyển qua các kho bãi.

Với Cross Docking, doanh nghiệp sẽ cần có một địa điểm tập kết nhưng nó không thực sự được sử dụng làm nơi lưu trữ.

Thay vào đó, các mặt hàng đến từ các nhà cung cấp khác nhau được đặt trong một trạm tập kết. Trong khu vực này, chúng được phân loại, gom nhóm cùng với các sản phẩm khác và được xếp sang các phương tiện vận tải đầu ra. Các xe này sẽ rời khỏi trạm phân loại Docking và được chuyển giao tới từng khách hàng.

Toàn bộ quy trình thường không quá một ngày, để hàng hóa thực sự luôn ở điểm bán và nhà kho đóng vai trò như một khu vực phân loại chứ không phải là nơi lưu trữ. Đôi khi, hàng hóa chỉ được lưu lại địa điểm tập kết chưa đầy một giờ, trước khi được phân phối đến tay người tiêu dùng.

Cross Docking được ứng dụng phổ biến trong nhiều hoạt động của ngành logistics, bao gồm: sản xuất, phân phối, vận tải. Trong hoạt động sản xuất, mô hình này thường được sử dụng để gom những linh kiện hoặc phụ tùng từ những nhà cung cấp khác nhau, giúp duy trì hoạt động đúng hạn.

Cross docking của Walmart

Kỹ thuật Cross Docking đươc áp dụng nhằm giảm thiểu chi phí quản lý

Cross Docking được phân loại như sau:

  • Cross Docking nhà sản xuất (Manufacturing Cross Docking): Hỗ trợ và tổng hợp các nguồn cung ứng hàng hóa đầu vào để hỗ trợ JIT (Đúng sản phẩm – đúng số lượng – đúng nơi – đúng thời điểm cần thiết) trong quá trình sản xuất. Ví dụ: Một nhà máy lắp ráp máy móc có thể thuê một nhà kho gần đó để thu gom và phân loại nguyên liệu đầu vào. Sau khi thu gom đầy đủ các bộ phận cần thiết sẽ tiến hành chuẩn bị cho quá trình lắp ráp dựa vào nhu cầu của từng bộ phận đã được lên kế hoạch trước. Chính vì vậy, nhà máy đó không cần duy trì số lượng hàng tồn kho dự phòng.
  • Cross Docking nhà phân phối (Distributor Cross Docking): Đây là hoạt động hỗ trợ và thu gom hàng hóa từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau. Sau khi nhận xong lô hàng cuối cùng, tất cả hàng hóa đều được tập hợp chung một pallet và giao cho khách hàng. Ví dụ: Nhà phân phối A có thể tìm kiếm nhiều nguồn cung cấp linh kiện máy móc khác nhau, miễn đảm bảo chất lượng. Sau đó giao đủ số lượng yêu cầu cho khách hàng.
Cross Docking là gì

Công ty với mọi quy mô đều có thể sử dụng Cross Docking

  • Cross Docking vận tải (Transportation Cross Docking): Thu gom và kết hợp nhiều lô hàng từ các nhà vận tải khác nhau theo mô hình LTL (Less than truckload – vận chuyển sản phẩm lẻ bằng xe tải) hay theo các lô nhỏ với mục đích đem lại lợi ích về quy mô giao dịch.
  • Cross Docking bán lẻ (Retail Cross Docking): Người phân phối sẽ nhập hàng hóa từ nhiều nhà cung cấp khác nhau và vận chuyển đến những cơ sở kinh doanh bán lẻ trên thị trường. Ví dụ, nhà phân phối A có thể nhập mặt hàng tiêu dùng từ nhiều nhà cung cấp và chuyển hàng hóa đến các siêu thị mini hoặc tạp hóa bán lẻ. Người phân phối sẽ nhập hàng hóa từ nhiều nhà cung cấp khác nhau và vận chuyển đến những cơ sở kinh doanh bán lẻ trên thị trường. Ví dụ, nhà phân phối A có thể nhập mặt hàng tiêu dùng từ nhiều nhà cung cấp và chuyển hàng hóa đến các siêu thị mini hoặc tạp hóa bán lẻ.
  • Cross Docking cơ hội (Opportunistic Cross Docking): Hoạt động này có thể áp dụng tại bất cứ kho hàng nào. Nhà phân phối có thể chuyển hàng hóa từ điểm nhận đến điểm chuyển hàng để đáp ứng một đơn đặt hàng của khách hàng.

>>>> Xem Thêm: Just In Time là gì? Điều kiện và nguyên tắc khi áp dụng JIT

2. Cross Docking khác gì với quản lý kho hàng truyền thống?

Đối với mô hình kho hàng truyền thống thì các kho sẽ phải duy trì về số lượng hàng cho đến khi xuất hiện các đơn hàng của khách. Tiếp đó, các sản phẩm trong kho sẽ được chọn lựa theo yêu cầu, đóng gói và tiến hành vận chuyển đến địa điểm nhận hàng.

Và khi các đơn hàng mới được các công ty tiếp tục bổ sung đến kho lưu trữ thì toàn bộ số lượng đơn hàng đó sẽ được phải chuyển về kho và ở đó cho đến khi các đối tượng khách hàng được xác định cụ thể thì mới được vận chuyển rời đi. 

Còn đối với mô hình áp dụng Cross Docking, hàng hóa sẽ không được lưu trữ lại tại kho mà ngay lập tức được chuyển đi đến địa điểm của người nhận. Nếu như thực hiện mô hình Cross Docking đúng cách, doanh nghiệp sẽ giảm bớt được rất nhiều chi phí về kho và vận chuyển trong hoạt động kinh doanh của mình.

>>>> Tìm Hiểu Thêm: 10 cách quản lý kho hiệu quả, khoa học cho doanh nghiệp

3. Ưu điểm và nhược điểm của Cross Docking​

Không phải ngẫu nhiên mô hình Cross Docking được nhiều doanh nghiệp kinh doanh ứng dụng trong việc quản lý sản xuất kho hàng. Sau đây là một số lợi ích nổi bật của mô hình này: 

  • Thứ nhất: Trong một vài trường hợp, hao phí được các nhà bán lẻ xác định gắn liền với việc giữ hàng trong kho đối với các loại hàng có nhu cầu cao và ổn định. Do đó, Cross Docking được xem như là một cách để giảm chi phí giữ hàng tồn kho.
  • Thứ hai: Đối với một số nhà bán lẻ hay các nhà vận tải chuyên chở hàng nhỏ, lẻ thì Cross Docking được xem như một cách làm giảm chi phí vận tải. Ví dụ, các cửa hàng bán lẻ có thể tốn nhiều chi phí khi sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa nhỏ lẻ. Tuy nhiên, với Cross Docking, các lô hàng lẻ sẽ được gom lại thành một số lần tải đầy xe, nhằm làm giảm chi phí vận tải đầu vào và đơn giản hóa việc nhận hàng tại các cửa hàng bán lẻ.
  • Thứ ba: Sản phẩm trong chuỗi cung ứng nhanh chóng được lưu thông vì có ít hàng hóa được giữ trong kho. Doanh nghiệp cũng có thể giảm bớt lo lắng về việc kiểm kê hay lưu trữ hàng hóa.
  • Thứ tư: Chi phí bốc dỡ ít tốn kém hơn vì không phải để dành nhiều hàng hóa rồi giải phóng lượng hàng hóa trong kho.

Mặc dù có rất nhiều ưu điểm, nhưng song song với đó, việc sử dụng mô hình này cũng có rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp nên xem xét kỹ các nhược điểm của Cross Docking sau đây trước khi lựa chọn sử dụng mô hình này: :

  • Tiêu tốn nhiều thời gian: Nếu ban quản lý và giám sát không đảm bảo quy trình hoạt động hiệu quả, mô hình Cross Docking sẽ khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian nếu gặp trục trặc trong lúc vận chuyển. Việc này đòi hỏi trình độ quản lý của doanh nghiệp tốt và có sự hỗ trợ từ công nghệ.
  • Cần lượng lớn vốn đầu tư: Các công ty chỉ có thể tiết kiệm chi phí sau khi mô hình quản lý này đi vào hoạt động trơn tru. Nhưng khi mới bắt đầu, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc thiết lập cấu trúc vận hành hàng hóa trơn tru, không sai sót.
Cross docking của Walmart

Bất lợi của mô hình quản lý Cross Docking khiến doanh nghiệp ngần ngại

  • Bị phụ thuộc vào các nhà cung cấp: Nếu liên tục xuất hiện vấn đề trong quá trình tiếp nhận hàng hóa vì sự chậm trễ hay sai sót từ phía nguồn cung cấp, doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian và giao hàng chậm trễ. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và mất uy tín với đối tác.
  • Vấn đề vận tải: Cross Docking chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ, vì vậy chi phí vận tải có thể cao hơn. Bên cạnh đó, nơi tập kết hàng hóa cần có không gian bên ngoài đủ rộng để nhân viên có thể di chuyển hàng.

4. Các mặt hàng phù hợp Cross Docking

Để có thể sử dụng mô hình Cross Docking, sản phẩm của doanh nghiệp cần đáp ứng hai yêu cầu: biến động thấp và khối lượng lớn. Nếu không đáp ứng được, doanh nghiệp không nên mạo hiểm lựa chọn phương pháp này vì sẽ làm mất cân đối giữa cung và cầu, giữa nhà cung cấp và khách hàng. Một số sản phẩm phù hợp có thể kể đến:

  • Sản phẩm dễ hư hỏng, cần vận chuyển ngay lập tức từ khi đến điểm chuyển hàng.
  • Sản phẩm không đòi hỏi kiểm tra tình trạng trong quá trình nhận hàng.
  • Các sản phẩm được gắn mã vạch, RFID, sẵn sàng bán cho người tiêu dùng.
  • Các mặt hàng quảng cáo đã đưa ra thị trường tiêu dùng.
  • Sản phẩm bán lẻ có chất lượng và số lượng ổn định để đáp ứng nhu cầu khách hàng trên thị trường.
  • Các đơn hàng được chọn trực tiếp từ khách hàng, đã được đóng gói từ phía nhà máy (luôn đảm bảo tình trạng sản phẩm) và chỉ cần vận chuyển.
Cross docking của Walmart

Mô hình chung của phương pháp quản lý kho hàng hóa Cross Docking

>>>> Đọc Thêm: Kiểm kê hàng tồn kho - Phương pháp, quy trình và mẫu file excel

5. Ví dụ về Cross Docking của Walmart

Walmart và thành công khi áp dụng Cross Docking là ví dụ kinh điển trong giới logistics. Walmart đã triển khai và áp dụng chiến lược này được hơn 40 năm, điều này giúp công ty tiết kiệm chi phí xử lý - vận hành, giảm đáng kể hàng tồn kho và đặc biệt là tiếp cận khách hàng nhanh nhất không qua trung gian.  

Chiến lược kinh doanh của công ty này là trở thành nhà bán lẻ giá thấp nhờ vào ưu thế chi phí thấp. Tất cả người tiêu dùng quan tâm đến giá cả rẻ đều tin tưởng và trung thành với thị trường do Walmart tạo ra. Cross Docking của Walmart đã giúp giảm thiểu tối đa chi phí trong vấn đề kho bãi và phân phối sản phẩm..

Cross docking của Walmart

Walmart - công ty áp dụng mô hình Cross Docking thành công nhất

Sản phẩm sau khi được sản xuất và đóng gói tại nhà máy sẽ trực tiếp được chuyển đến kho riêng của Walmart và lập tức được tách thành những lô nhỏ để phân phối đến các đơn vị khác.

Bên cạnh đó, Walmart thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài với các thương hiệu lớn để nhập số lượng lớn hàng hóa và hưởng ưu đãi giảm giá. Nhờ vậy, người tiêu dùng càng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. Kết hợp với ưu thế về vận tải, 160 trung tâm phân phối của Walmart được xây dựng, cung cấp hàng hóa liên tục và lâu dài theo chu kỳ khắp nước Mỹ.

Cross docking của Walmart

Mô hình chuỗi cung ứng áp dụng chiến lược Cross Docking của Walmart

Ông lớn này còn sử dụng các công nghệ tiên tiến như EDI, CPFR để quá trình tiếp nhận và vận chuyển nhanh hơn. Bộ xử lý thông tin song song lớn giúp nhân viên quản lý và phân phối tại Walmart theo dõi số lượng sản phẩm tồn kho, hàng hóa dự phòng tại các trung tâm và cửa hàng để tổng hợp hàng hóa và giao hàng kịp thời, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng.

>>>> Bài Viết Hữu Ích: Quy trình quản lý kho thành phẩm hiệu quả cho doanh nghiệp

6. Ứng dụng Cross Docking với Viindoo

6.1 Quản lý địa điểm gom hàng

Địa điểm gom hàng không phải là khu vực lưu trữ. Đây thực tế là một địa điểm/khu vực tập kết hàng hóa tạm thời trước khi giao cho khách hàng.

Viindoo Inventory  hỗ trợ doanh nghiệp sắp xếp địa điểm để thu gom hàng hóa một cách hiệu quả và giảm mức tồn kho do loại bỏ việc lưu trữ. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể kích hoạt các địa điểm gom hàng trong cùng một địa điểm mà không phải tạo nhiều kho với quy trình quản lý kho cồng kềnh phức tạp. Từ đó, doanh nghiệp có thể giao hàng thường xuyên hơn và cải thiện mối quan hệ với các đối tác trong chuỗi cung ứng.

6.2 Theo dõi đường đi của hàng hóa​

Trong quản lý hàng tồn kho, chúng ta cũng đã rất quen thuộc với phương châm Lavoisier "Nothing lost, everything changed". Điều đó có nghĩa là "Mọi sản phẩm, hàng hóa không tự nhiên sinh ra và mất đi mà chỉ chuyển từ vị trí này sang vị trí khác".

Viindoo đã ứng dụng phương châm này vào phát triển phần mềm quản lý kho Viindoo Inventory. Phần mềm giúp ghi nhận địa điểm nguồn và đích cho các giao dịch dịch chuyển, chi tiết số lượng, lịch sử trao đổi, thời gian giao dịch, người phụ trách... hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kiểm kho, kiểm kê hàng hóa, truy xuất tận cùng nguồn gốc. Từ đó, kiểm soát đường đi của hàng hóa theo phương pháp Cross Docking cũng trở nên dễ dàng hơn.

6.3 Kiểm soát số lượng hàng hóa tại các trạm phân loại Docking

Trên thực tế, trong mô hình Cross Docking, không hề có bất kỳ nhà kho nào để quản lý việc gom hàng trước khi chuyển giao tới khách hàng. Địa điểm có thể là một trạm tập kết hoặc thùng container thật lớn để gom hàng, phân loại hàng và chuyển giao hàng thật nhanh tới khách hàng mà không có bất kỳ một khoản chi phí lưu kho. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng rất khó để kiểm soát được hàng hóa tại các địa điểm trạm phân loại Docking đó.

Thế nhưng với Viindoo, các sản phẩm có hoạt động theo tuyến Cross Dock này hoàn toàn có thể kiểm soát được số lượng vào/ra của hàng hóa.

Trên đây là những thông tin về Cross Docking được chia sẻ bởi Viindoo. Qua những lợi ích được trình bày, doanh nghiệp nên nắm bắt cơ hội để triển khai mô hình logistics này giúp đảm bảo chất lượng và thời gian vận chuyển hàng hóa. Liên hệ ngay với Viindoo để trải nghiệm biện pháp quản lý doanh nghiệp hiệu quả hơn trong tương lai.

>>>> Tiếp Tục Với:

Cross Docking là gì? Ưu, Nhược điểm của Cross Docking
Hoàng Thị Hảo 31 tháng 12, 2020

SHARE THIS POST
Đăng nhập để viết bình luận


Đào tạo nội bộ là gì? 5 bước xây dựng kế hoạch đào tạo nội bộ