Quản lý hàng tồn kho hiệu quả luôn là một bài toán nan giải với doanh nghiệp. Nếu lượng hàng lưu kho quá lớn, bạn khó có thể chuyển hóa nguồn vốn đầu vào thành doanh thu. Ngược lại nếu hàng tồn kho quá ít, hoạt động sản xuất & kinh doanh phải diễn ra cầm chừng, doanh nghiệp khó lòng giữ được thị phần. Chính vì vậy, để dễ dàng rà soát và quản lý hàng tồn kho, các doanh nghiệp bắt đầu tìm đến và lựa chọn vòng quay hàng tồn kho như một lời giải hoàn hảo.
Vậy vòng quay hàng tồn kho là gì? Chỉ số này có ý nghĩa ra sao với doanh nghiệp và cách tính chỉ số này như thế nào? Hãy cùng Viindoo giải đáp trong bài viết dưới đây.
Vòng quay hàng tồn kho là gì?
Vòng quay hàng tồn kho (inventory turnover) là thước đo số lần một doanh nghiệp luân chuyển nguồn hàng tồn kho (bán hết và tái nhập kho) trong một khoảng thời gian nhất định.
Đây là một chỉ số tài chính quan trọng, giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về tốc độ bán hàng và mức độ hiệu quả sản xuất kinh doanh hiện tại. Từ đó, doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết sách đúng đắn hơn về lưu lượng hàng tồn kho hợp lý, lượng hàng cần sản xuất và cả mức giá bán phù hợp nhất.
Vòng quay hàng tồn kho là gì?
Cách tính vòng quay hàng tồn kho chính xác
Để xác định số vòng quay hàng tồn kho một cách chính xác nhất, doanh nghiệp có thể áp dụng 3 bước sau đây:
Bước 1: Hoạch định rõ ràng khoảng thời gian cần tính số vòng quay hàng tồn kho, thông thường sẽ theo từng năm, quý hoặc tháng. Nếu là doanh nghiệp có mức độ luân chuyển hàng tồn kho cao, như bán lẻ, thương mại điện tử, có thể lựa chọn tính số vòng quay theo quý hoặc tháng. Nếu là doanh nghiệp có mức luân chuyển thấp, như lĩnh vực sản xuất, hoặc hàng hoá thuộc phân khúc cao cấp, có thể lựa chọn tính theo năm hoặc quý.
Bước 2: Thu thập dữ liệu chính xác về chi phí hàng hoá bán ra (Cost of Goods) và giá trị tồn kho trung bình (Average Inventory Value) của nhóm hàng cần tính vòng quay.
Bước 3: Tính số vòng quay hàng tồn kho.
- Công thức tính số vòng quay hàng tồn kho:
Vòng quay hàng tồn kho = Chi phí hàng hoá bán ra / Giá trị tồn kho trung bình
Trong đó:
Chi phí hàng hoá bán ra được xác định trong cùng khoảng thời gian mà doanh nghiệp cần tính số vòng quay, như năm, quý hay tháng.
- Công thức tính giá trị tồn kho trung bình:
Giá trị tồn kho trung bình = (Giá trị tồn kho đầu kỳ + Giá trị tồn kho cuối kỳ) / 2
- Công thức tính số ngày của một vòng quay hàng tồn kho như sau:
Số ngày của một vòng quay hàng tồn kho = Số ngày của kỳ kế toán / Số vòng quay hàng tồn kho
Trong đó:
Nếu doanh nghiệp có kỳ kế toán là năm/quý/tháng thì số ngày kế toán tương ứng sẽ là 365/90/30 ngày.
Ví dụ cách tính vòng quay hàng tồn kho:
Trong năm tài khoá 2022, Walmart - nhà bán lẻ lớn nhất tại Hoa Kỳ, có chi phí hàng hoá bán ra là 429 tỉ đô, giá trị tồn kho cuối kỳ là 56,5 tỉ đô và giá trị tồn kho đầu kỳ là 44,9 tỉ đô. Vòng quay hàng tồn kho của Walmart trong năm 2022 sẽ được tính như sau:
Vòng quay hàng tồn kho = 429 / (56,5 + 44.9)/2 = 8.5 (vòng)
Số ngày của mỗi vòng quay = 365 / 8.5 = 42 (ngày)
Như vậy, trong năm tài khoá 2022 hàng tồn kho của Walmart luân chuyển 8.5 vòng. Xét trung bình thì cứ 42 ngày, Walmart xoay vòng lượng hàng tồn kho
Ý nghĩa của vòng quay hàng tồn kho
Chỉ số vòng quay hàng tồn kho cao chứng tỏ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang rất hiệu quả. Tuy nhiên, bạn cũng cần cẩn trọng bởi hệ số vòng quay cao cũng có thể là hệ quả từ lượng hàng tồn kho đang không đủ nhiều. Trong trường hợp nhu cầu thị trường tăng mạnh, nhưng lượng hàng tồn kho lại không đủ cung ứng, doanh nghiệp rất dễ gặp rủi ro bị mất khách hàng và thị phần vào tay đối thủ.
Ngược lại, hệ số vòng quay hàng tồn kho thấp có thể là dấu hiệu hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, hoặc lượng hàng tồn kho quá lớn, dẫn đến ứ đọng. Doanh nghiệp cần tiến hành rà soát lại chiến lược kinh doanh và tiếp thị của mình, đồng thời đánh giá nhu cầu ngành hàng hiện tại của thị trường để có phương án khắc phục.
Biến động chỉ số vòng quay hàng tồn kho của doanh nghiệp sẽ là mối quan tâm đặc biệt của những đối tượng sau đây:
- Ngân hàng tài trợ vốn: Họ quan tâm về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang tiến triển ra sao, doanh thu từ nguồn hàng có đang ổn định và liệu doanh nghiệp có đủ nguồn tiền để trả nợ vốn ban đầu và lãi hay không.
- Hội đồng quản trị và các cổ đông: Liệu vốn đầu tư vào doanh nghiệp của các cổ đông và ban quản trị có đang được sinh lời không, hay đang tiềm ẩn rủi ro vì lưu lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp.
- Ban giám đốc, ban quản lý và phòng kinh doanh: Họ cần xem xét các chiến lược kinh doanh doanh và tiếp thị có đang tạo ra hiệu quả bằng doanh thu không, từ đó đưa ra phương án khắc phục
- Các cổ đông/nhà đầu tư tiềm năng: Họ đánh giá triển vọng phát triển của doanh nghiệp thông qua doanh thu từng thời kỳ, trước khi quyết định đầu tư.
Ý nghĩa của vòng quay hàng tồn kho
Các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số vòng quay tồn kho
Nhu cầu mua hàng
Nhu cầu thị trường là yếu tố tác động trực tiếp lên chỉ số vòng quay hàng tồn kho của doanh nghiệp. Nhu cầu mua hàng sẽ tỷ lệ thuận với vòng quay hàng tồn kho, nếu nhu cầu của thị trường càng lớn thì hệ số vòng quay càng cao, tương đương với lượng hàng bán ra nhiều và tần suất tái nhập kho cao.
Ngược lại, nhu cầu mua hàng thấp cũng đồng nghĩa với hệ số vòng quay thấp, kéo theo lưu lượng hàng tồn kho ứ đọng, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về chi phí phát sinh cho doanh nghiệp.
Xu hướng mua hàng
Sự nhạy bén với các xu hướng thị trường có tác động không nhỏ đến chỉ số vòng quay tồn kho. Sức mua của thị trường có xu hướng tăng mạnh vào các dịp lễ lớn, các đợt cuối năm khi có lương thưởng, hoặc sẽ có xu hướng giảm mạnh khi lạm phát, giá cả leo thang.
Doanh nghiệp cần tiến hành nghiên cứu thị trường sát sao hơn để nắm bắt tâm lý khách hàng, dự đoán xu hướng thị trường hiệu quả, từ đó lên chiến lược dự trữ lượng hàng lưu kho hợp lý.
Phương pháp bán hàng
Trong trường hợp nhu cầu và sức mua tăng sao, tuy nhiên chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp thiếu hiệu quả, không tạo được sự thôi thúc để khách hàng chi tiêu nhiều hơn thì chỉ số vòng quay tồn kho cũng không thể đạt mức kỳ vọng.
Do vậy, doanh nghiệp cần xây dựng chuỗi chiến lược tiếp thị, giá cả và sản phẩm song song với đào tạo đội ngũ bán hàng nhằm đẩy mạnh doanh số, qua đó liên tục xoay vòng nguồn hàng tồn kho.
Chu kỳ rà soát, theo dõi
Chu kỳ đánh giá, rà soát vòng quay hàng tồn kho cũng góp phần mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý hàng tồn kho. Thông qua từng chu kỳ rà soát, dựa trên hệ số vòng quay tồn kho, doanh nghiệp có thể đánh giá các chiến lược kinh doanh hiện tại có phù hợp hay không, lượng hàng tồn kho hiện tại đang ở mức an toàn cho sản xuất hay bị dư thừa,...
Với những doanh nghiệp vừa bước vào thị trường, vòng quay hàng tồn kho nên được tính toán theo chu kỳ ngắn hạn, theo từng quý hoặc từng tháng, để kịp thời rà soát và đánh giá mức độ hiệu quả của hoạt động kinh doanh.
Cách tối ưu vòng quay hàng tồn kho
Dựa trên những yếu tố tác động đến vòng quay hàng tồn kho trên đây, doanh nghiệp bạn có thể triển khai các biện pháp để cải thiện chỉ số này như sau:
- Đàm phán, thương thảo hiệu quả hơn với đơn vị cung ứng để tối ưu hoá chi phí nguyên vật liệu đầu vào, từ đó đưa ra mức giá bán cạnh tranh hơn.
- Phác thảo thành công chân dung khách hàng, hiểu rõ nhu cầu, mong muốn, hành vi của khách hàng đối với ngành hàng, sản phẩm mà doanh nghiệp kinh doanh để có thể dự đoán xu hướng mua hàng, qua đó chuẩn bị nguồn hàng lưu kho hợp lý hơn.
- Kích thích nhu cầu mua hàng và gia tăng giá trị đơn hàng bằng các chiến lược tiếp thị sản phẩm, chương trình khách hàng thân thiết, tặng voucher hay các đợt giảm giá sản phẩm…
- Phân loại nhóm hàng của doanh nghiệp, đâu là dòng sản phẩm bán chạy/bán chậm, đâu là dòng sản phẩm cao cấp/bình dân để lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hiệu quả.
- Thực hiện chu kỳ rà soát, đánh giá phù hợp, nếu là doanh nghiệp lâu năm thì có thể lựa chọn chu kỳ theo từng năm hoặc lâu hơn; Ngược lại, nếu là doanh nghiệp mới thì vòng quay hàng tồn kho nên được tính theo chu kỳ ngắn hơn.
Ngoài các cách làm trên đây, các doanh nghiệp có thể cân nhắc ứng dụng các giải pháp công nghệ quản lý kho thông minh, trong đó nổi bật nhất phải kể đến phần mềm quản lý kho và chuỗi cung ứng Viindoo Inventory.
Vậy những tính năng nổi trội nào khiến Viindoo Inventory trở nên khác biệt so với các phần mềm quản lý kho hiện nay trên thị trường?
- Truy vết tồn kho: Sử dụng hai phương pháp Lavoisier & Ghi sổ kép, mọi dịch chuyển hàng hóa đều sẽ được Viindoo Inventory lưu lại và cập nhật đầy đủ thông tin về lịch sử, số lượng, trao đổi liên quan, v.v.
- Kiểm soát theo lô, seri: Lượng hàng tồn kho đều sẽ được Viindoo Inventory lưu lại và phân loại rõ ràng. Dựa trên nguồn dữ liệu đầy đủ này, doanh nghiệp dễ dàng truy xuất nguồn gốc hàng hóa từ khi ở nhà cung cấp đến khách hàng.
- Kiểm soát tuổi tồn kho và thời hạn: Viindoo Inventory cung cấp các báo cáo trực quan về tuổi tồn kho, thời hạn sử dụng của nguồn hàng tồn kho, các cảnh báo về ngày hết hạn của sản phẩm để doanh nghiệp có kế hoạch xử lý.
- Chi phí về kho: Viindoo Inventory cập nhật toàn bộ chi phí liên quan đến quá trình nhập hàng về kho: thuế, phí,... Đồng thời tự động tạo bút toán phân bổ để điều chỉnh giá nhập kho của hàng hóa.
- Báo cáo tồn kho: Tất cả các loại báo cáo để quản lý hàng tồn kho trên Viindoo Inventory như báo cáo hiệu suất kho, báo cáo nhập xuất tồn kho, dự báo tồn kho,... đều sẽ được cập nhật tự động và hiển thị trực quan cùng số liệu cụ thể, giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi và tối ưu chỉ số kho vận
- Kiểm soát chất lượng: Viindoo Inventory giúp doanh nghiệp bạn xác định tiêu chí chất lượng và thực hiện kiểm tra trong quá trình nhận hàng, vận chuyển, sắp xếp, sản xuất hoặc trả lại và tự động hóa quy trình kiểm tra chất lượng.
Dựa trên những lợi ích có thể đem lại, phần mềm quản lý kho Viindoo Inventory có thể giúp doanh nghiệp tối ưu hoá lưu lượng hàng tồn kho, từ đó cải thiện và nâng cao chỉ số vòng quay hàng tồn kho.
Viindoo Inventory
Khám phá phần mềm Viindoo Inventory
Phần mềm quản lý kho, hàng hóa tất cả trong một dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tự động hóa quy trình kiểm kê của doanh nghiệp, giúp tăng hiệu quả, tăng độ chính xác và tiết kiệm chi phí.
Kết luận
Để tổng kết lại, không có một công thức chung nào cho chỉ số vòng quay hàng tồn kho của mỗi doanh nghiệp. Một chỉ số vòng quay hàng tồn kho được xem là “tốt” khi lượng hàng lưu kho đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất & kinh doanh, giúp doanh nghiệp giải phóng được nguồn vốn đầu vào, qua đó tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ổn định.
Cần lưu ý thêm, chỉ số vòng quay hàng tồn kho cao chưa hẳn lúc nào cũng là tốt cho doanh nghiệp, bởi đây là dấu hiệu của sự thiếu hụt hàng hoá trong kho, nếu không khắc phục kịp thời có thể tác động xấu đến hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp cần tiến hành theo dõi, đánh giá vòng quay hàng tồn kho định kỳ, xem xét lượng hàng lưu kho hiện tại so với nhu cầu thị trường hiện tại. Từ đó, đưa ra những điều chỉnh nếu cần thiết để thích ứng tốt hơn với những thay đổi về nhu cầu, thị hiếu khách hàng trong tương lai.